Translate

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Scandal in tiền Polymer: Vụ án tình, tiền...


2012-08-13
Một viên chức cao cấp của Toà đại sứ Australia đã dan díu tình cảm với một Đại tá tình báo của Việt Nam, người bị cáo buộc nhận tới 20 triệu đôla của một công ty Úc.
Screen capture of smh.com.au
Bà Elizabeth Masamune, Uỷ viên Thương mại Autralia

Giao du thân mật

Uỷ viên cao cấp của Uỷ hội Thương mại Australia, bà Elizabeth Masamune, người được quyền tiếp cận những thông tin tối mật của nước Úc, đã quen biết với đại tá công an Lương Ngọc Anh trong những năm đầu thập niên 2000, khi bà làm việc tại Hà Nội.

Viên đại tá lúc đó làm việc cho công ty Securency của Úc để công ty thắng thầu hợp đồng lớn về in tiền polymer với Ngân hàng Trung ương Việt Nam. Năm ngoái các công tố viên tư pháp Australia và cảnh sát Liên bang cáo buộc đại tá Anh đã nhận tới 20 triệu đô la của Securency, số tiền bị nghi là hối lộ.
Các nguồn tin ngoại giao xác nhận rằng bà Masamune giao du thân mật với đại tá Lương Ngọc Anh, đồng thời khuyến khích Securency chi cho ông này những khoản tiền trọng hậu để trả công ông đã “giúp đỡ” cho công ty thắng hợp đồng in tiền.
Là viên chức thương mại cao cấp nhất của Úc tại Việt Nam, bà Masamune hẳn đã biết đến nhiều tin tức mật được thuyết trình trong những buổi họp của chính phủ. Một nguồn tin ngoại giao cao cấp cho hay các cơ quan của Úc liệt kê đại tá Anh thuộc bộ Công an, mà họ coi là cơ quan an ninh tình báo của Việt Nam.
Bà Elizabeth Masamune đã không báo cáo với bộ ngoại giao và bộ thương mại những chi tiết về mối quan hệ của bà với viên sĩ quan tình báo cao cấp trong thời gian bà được cử đến công tác tại xứ Cộng Sản này (theo ngôn từ báo chí Úc nói về Việt Nam.)                 
luong-anh
Đại tá công an Lương Ngọc Anh- smh.com.au screen capture

Người giữ của

Đại tá Lương Ngọc Anh cũng được người Úc biết đến như thành phần thân tín của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, và còn là người giữ túi tiền cho các viên chức hàng đầu của Việt Nam.
Được biết, vẫn theo báo chí Úc, khi giới lãnh đạo của Securency than phiền về số tiền khổng lồ phải chi cho viên đại tá này, bà Masamune đã nói đó là cái giá phải trả để làm ăn tại Việt Nam.
Sự tiết lộ mối quan hệ này sẽ buộc Thủ tướng Julia Gillard cho tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng đến việc các viên chức cao cấp của Uỷ hội thương mại và Ngân hàng dự trữ Australia đã bao che hay yểm trợ việc hối lộ, cũng như đã dính líu vào những hành vi ứng xử không thích hợp.
Phó chủ tịch đảng Cấp tiến đối lập, dân biểu Julie Bishop, cho biết bà sẽ hỏi Bộ trưởng thương mại Craig Emerson xem ông biết đến những chuyện liên quan tới bà Masamune từ bao giờ, và ông có báo cáo với cơ quan cảnh sát Liên bang hay các cơ quan an ninh khác không. Bà cho rằng vì tính cách nghiêm trọng của vụ này, chính phủ phải báo cáo tất cả những gì đã biết.
Bà Masamune là một trong dăm ba viên chức Úc đã trực tiếp hay gián tiếp giúp vào những thương vụ được cho là “không thích hợp” của công ty Security. Công tố viên tư pháp cáo buộc những vụ giao dịch đó liên quan đến tiền hối lộ hằng triệu đô la ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Uỷ hội Thương mại Australia đã phụ giúp Securency và công ty anh em của nó, cũng thuộc Ngân hàng Dự trữ, là Note Printing Australia, gọi tắt là NPA,trong việc làm ăn ở 49 quốc gia, từ 1996 đến 2009.
NPA bị cho là đã hối lộ các viên chức Malaysia, Indonesia và Nepal. Còn Securency thì từ 1999 đến 2009,  trong sự thông hiểu và nhiều khi yểm trợ trực tiếp của Uỷ hội Thương mại, chẳng những đã sử
dụng viên đại tá tình báo Việt Nam mà còn thuê cả một tay lái buôn vũ khí người Malaysia, và một tội phạm hình sự có án của Nam Phi. Những kẻ này hoạt động như nhân viên đại diện Ngân hàng Dự trữ Australia ở ngoại quốc, trong một kế hoạch chung mà nay cảnh sát cho là một "hàng tiền đạo" để hối lộ.

Tri pháp phạm pháp

Hồ sơ nội bộ của Uỷ hội Thương mại cho thấy từ 1998 Uỷ hội đã biết đại tá Anh là sĩ quan cao cấp của bộ Công an Việt Nam. Mặc dù luật của Úc ban hành năm 1999 cấm trả tiền cho các viên chức ngoại quốc, không một ai trong Uỷ hội Thương mại cảnh giác Securency là việc trả tiền cho đại tá Anh là việc bất hợp pháp.
Ngược lại, theo báo The Age, Uỷ hội vẫn đề nghị Securency sử dụng đương sự như nhân viên được trả tiền, dù các viên chức của Uỷ Hội biết rằng các công ty của Úc trả tiền cho viên chức ngoại quốc để chiếm lợi thế kinh doanh là vi phạm tội hình sự.
Theo những tài liệu được phổ biến nhờ luật Tự do Thông tin, đầu tiên báo The Age của Úc hồi tháng 12 năm ngoái đã tiết lộ chi tiết câu chuyện nhờ đâu mà hồi năm 2001 bà Masamune biết được chuyện làm ăn về tiền bạc của đại tá Lương Ngọc Anh với Securency.

Bại lộ...

Tháng giêng 2001, bà Masamune nói với Securency rằng bà sẽ giữ liên lạc với đại tá Anh và tiếp tục theo dõi những thư từ ông ta cần viết cho Securency liên quan đến vấn đề tài chính.
Hai tháng sau Securency gởi email cho bà, xác định rằng ở Việt Nam họ đã làm hơn cả những gì từng làm ở bất kỳ quốc gia nào khác, đặc biệt là về những cam kết tài chính mà công ty coi là “vốn đầu tư”
Có cả bản sao thư email của bà Masamune trong đó phác hoạ kế hoạch đi Úc của đại tá Lương Ngọc Anh vào tháng 3, 2001 để “thảo luận và ký kết bổ túc liên quan đến” những khoản tiền mà ông ta được Securency chi trả.
Bà Masamune cũng nói với Securency bà sẽ vận động Bộ di trú để cấp “visa cực nhanh” cho đại tá Anh. Bà đã giúp cho chuyến đi Mỹ của ông Anh cùng nhiều viên chức khác, và Securency trả tiền.
polymer-money
Tiền polymer của Việt Nam- WikiCommons photo
Năm 2004 Uỷ hội Thương mại còn tặng phần thưởng cho đại tá Lương Ngọc Anh và Securency, khen ngợi họ đã giúp chiếm được những hợp đồng trị giá hơn 100 triệu đô la với ngân hàng trung ương Việt Nam.
Thủ tướng Julia Gillard cùng Bộ trưởng ngân khố Wayne Swan đã liên tục từ chối lời thúc giục điều tra sâu rộng vụ hối lộ đầy tai tiếng. Cuộc điều tra của cảnh sát liên bang phát khởi do những điều tiết lộ trên báo The Age năm 2009, nhưng chỉ giới hạn trong những vụ điều tra và truy tố tội hối lộ của các viên chức lãnh đạo cũ của Securency và NPA.
Phiên xử 8 cựu viên chức của Securency và Note Printing Australia bị cáo buộc hối lộ khởi sự ở Melbourne vào hôm thứ hai.  Cảnh sát liên bang Australia đã không điều tra về vai trò cùa các cơ quan chính phủ trong vụ tai tiếng này, mặc dù nhiều chứng cứ cho thấy các viên chức Úc có biết hoặc có liên can trong một số thương vụ của Securency và NPA ở nước ngoài.t

Không có nhận xét nào: